Nhi học bài : Tiểu não và chức năng quan trọng|GIẢI TRÍ VÀ VUI CƯỜI CÙNG SÂM NHUNG

oh

oh

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Nhi học bài : Tiểu não và chức năng quan trọng

Đặc điểm cấu tạo

Tiểu não là phần thần kinh trung ương nằm ở hố sọ sau, ngay phía sau thân não.
Tiểu não nối với thân não bằng 3 đôi cuống tiểu não:

Đôi trên nối với não giữa.
Đôi giữa nối với cầu não.
Đôi dưới nối với hành não.
Thực chất các cuống tiểu não là những đường liên hệ của tiểu não với các phần khác của hệ thần kinh.
Tiểu não gồm có thùy nhộng ở giữa và 2 bán cầu tiểu não ở 2 bên. Mỗi bán cầu tiểu não có một lớp chất xám bao bọc bên ngoài gọi là vỏ tiểu não, bên trong là chất trắng chứa một số nhân xám quan trọng như nhân răng (Dentate nucleus) và nhân mái (Fastigial nucleus).
Vỏ tiểu não gồm có 3 lớp:
Lớp ngoài cùng: là lớp phân tử  chứa các nơ ron.
Lớp giữa: là lớp tế bào Purkinje.
Lớp trong cùng: là lớp hạt chứa các tế bào Golgi.
Căn cứ theo bậc thang tiến hóa, người ta chia tiểu não ra làm 3 phần:
Nguyên tiểu não
Chính là thùy nhộng, đây là phần xuất hiện sớm nhất theo bậc thang tiến hóa, nguyên tiểu não có liên quan mật thiết với nhân tiền đình ở hành não nên nó có chức năng chủ yếu trong việc điều hòa trương lực cơ và duy trì thăng bằng cho cơ thể.

Tiểu não cổ
Phần này nhận những đường dẫn truyền từ tủy sống đưa lên, trong đó quan trọng là đường cảm giác sâu không có ý thức để từ đó tiểu não điều hòa các động tác tự động, điều hòa trương lực cơ và giữ thăng bằng cho cơ thể.
Tiểu não mới
Là phần phát triển muộn nhất theo bậc thang tiến hóa. Tiểu não mới phát triển ở những động vật cấp cao và ở người là hoàn thiện nhất.
Tiểu não mới liên quan chặt chẽ với vỏ não để góp phần cùng vỏ não điều hòa các động tác chủ động.
Các đường liên hệ của tiểu não
Những đường liên hệ đi vào và đi ra khỏi tiểu não đều đi qua 3 đôi cuống tiểu não:
Những đường đi vào tận cùng ở vỏ tiểu não.
Những đường đi ra xuất phát từ nhân mái và nhân răng.
Vỏ tiểu não đóng vai trò trung gian giữa 2 đường này.
Những đường đi vào tiểu não

Bó tủy - tiểu não chéo (bó Gowers) và bó tủy - tiểu não thẳng (bó Flechsig):
Hai bó này xuất phất từ các bộ phận nhận cảm ở gân, cơ,  khớp sau đó đi vào tủy sống rồi tận cùng ở vỏ tiểu não (tiểu não cổ), cho tiểu não cảm giác về trương lực cơ (cảm giác sâu không có ý thức).
Bó Goll và Burdach:
Hai bó này dẫn truyền cảm giác sâu có ý thức, chủ yếu đi lên vỏ não nhưng có một phần nhỏ đi vào tiểu não, cho tiểu não cảm giác bản thể.
Bó tiền đình - tiểu não:
Xuất phát từ một bộ phận nhận cảm thăng bằng của tai trong là mê cung, sau đó đi tới nhân tiền đình ở hành não rồi tận cùng ở thùy nhộng (nguyên tiểu não), cho tiểu não cảm giác về thăng bằng.
Bó vỏ - cầu - tiểu não:
Xuất phát từ các vùng vận động của vỏ não, sau đó đi xuống cầu não và tận cùng ở vỏ tiểu não, dẫn truyền các xung động vận động của vỏ não.
Bó tiểu não - tiểu não:
Xuất phát từ nhân răng của bán cầu tiểu não bên kia và tận cùng ở vỏ tiểu não bên này, bó này giữ mối liên hệ giữa 2 bán cầu tiểu não.

Những đường đi ra khỏi tiểu não
Bó tiểu não -  tiền đình:
Xuất phát từ nhân mái đi đến nhân tiền đình rồi chia làm 2: một đường đi đến các dây vận nhãn, một đường đi xuống tủy sống rồi đi ra theo dây vận động.
Bó tiểu não - hành não:
Xuất phát từ nhân mái đi đến cấu trúc lưới ở hành não.
Bó tiểu não -  nhân đỏ:
Xuất phát từ nhân răng đi đến nhân đỏ ở não giữa rồi đi xuống tủy sống và theo rễ vận động đi ra ngoài.
Bó tiểu não - đồi thị - vỏ não:
Xuất phát từ nhân răng đi lên đồi thị và đi đến vùng vận động của vỏ não.
Chức năng của tiểu não
Tiểu não có chức năng điều hòa trương lực cơ, qua đó giữ thăng bằng cho cơ thể. Đồng thời, tiểu não được xem là một cơ quan kiểm soát và điều chỉnh các vận động cả tự động lẫn chủ động.
Chức năng điều hòa trương lực cơ và giữ thăng bằng cho cơ thể
Tiểu não nhận cảm giác thăng bằng từ mê cung của tai trong (bó tiền đình - tiểu não) và nhận cảm giác trương lực cơ từ đường cảm giác sâu không có ý thức (bó tủy - tiểu não chéo và thẳng).

Tiểu não sẽ truyền những xung động đi xuống (qua các bó tiểu não - tiền đình, tiểu não - nhân đỏ) để điều hòa trương lực cơ và giữ thăng bằng cho cơ thể.
Chức năng điều hòa các động tác tự động
Đường ngoại tháp xuất phát từ vùng tiền vận động của vỏ não và các nhân xám dưới vỏ trước khi đi xuống tủy sống đều gửi các xung động đi đến tiểu não, từ đó tiểu não góp phần điều hòa các động tác tự động.
Chức năng điều hòa các động tác chủ động
Vận động chủ động thực chất do vỏ não điều khiển (vùng vận động). Tuy nhiên, các xung động từ vùng vận động vỏ não trước khi đi xuống tủy sống đều gửi một phần đi đến tiểu não. Đồng thời, tiểu não cũng nhận một phần cảm giác sâu có ý thức từ dưới đi lên (bó Goll và Burdach). Vì vậy, tiểu não cũng tham gia điều hòa các động tác chủ động.
Khi tiểu não tổn thương, các động tác chủ động sẽ bị rối loạn.
Hội chứng tiểu não
Khi tiểu não bị tổn thương (u, nhiễm khuẩn, chấn thương...) sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh lý. Tập hợp các triệu chứng bệnh lý đó gọi là hội chứng tiểu não. Một hội chứng tiểu não đầy đủ gồm những biểu hiện sau:

Giảm trương lực cơ.
Hội chứng 3 sai: sai tầm, sai hướng, sai nhịp.
Run: run khi làm việc, động tác càng phức tạp càng run nhiều.
Giật nhãn cầu.
Mất thăng bằng: đi lảo đảo, dễ bị ngã, đi hình zích zắc.
Rối loạn phát âm: nói khi nhanh khi chậm, khi to khi nhỏ, nói khó.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét